News

Việt Nam học tập và trao đổi kinh nghiệm từ thị trường trái phiếu xanh Luxembourg

Phái đoàn liên Bộ của Chính phủ Việt Nam và các đơn vị chủ chốt trong hệ sinh thái tài chính bền vững của Luxembourg đã có tuần thăm và làm việc với trao đổi sâu về các thực hành tốt nhất cho phát triển thị trường tài chính bền vững.

Luxembourg, November 8, 2023 — Vừa qua, trong khuôn khổ hợp tác thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, GGGI Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Đại công quốc Luxembourg và GGGI Luxembourg, tổ chức chuyến thăm và trao đổi kinh nghiệm về thị trường trái phiếu xanh Luxembourg cho đoàn đại biểu liên bộ của Việt Nam do bà Phạm Thị Thanh Tâm Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính Việt Nam dẫn đầu.

Chuyến thăm và trao đổi kinh nghiệm là một trong số các hoạt động nâng cao năng lực trong khuôn khổ chương trình “Chuẩn bị sẵn sàng cho trái phiếu xanh Việt Nam”, một sáng kiến hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển bền vững Luxembourg (MECSD) và GGGI, diễn ra vào ngày 16-20/10/2023, nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực chuyên môn cho Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực hiện các sáng kiến tài chính bền vững.

Tài chính xanh và tài chính bền vững có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án giảm carbon trong các ngành khác nhau của nền kinh tế. Với những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu vốn để tài trợ cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường và xã hội dự kiến sẽ tăng lên đáng kể. Sự phát triển của thị trường tài chính bền vững có thể là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và hiện thực hóa các chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Trong bối cảnh này, chuyến tham quan học tập là cơ hội để đoàn đại biểu từ các Bộ, ngành khác nhau tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược tài chính bền vững cho Việt Nam học hỏi các thực hành tốt nhất từ các đơn vị chủ chốt về tài chính bền vững của Luxembourg. Các thảo luận tập trung vào phương án đẩy nhanh sự phát triển của thị trường tài chính bền vững hỗ trợ quá trình giảm phát thải ròng về bằng 0, kinh nghiệm thực tế trong việc phát hành trái phiếu bền vững chính phủ, và các nỗ lực pháp lý của Luxembourg và EU trong việc thúc đẩy tính minh bạch của thị trường tài chính bền vững. Một yếu tố thành công đáng chú ý từ kinh nghiệm của Luxembourg là cách tiếp cận linh hoạt cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm phối hợp và truyền đạt các nội dung về phát triển bền vững giữa khu vực công và tư nhân. Việc giới thiệu hướng dẫn công bố thông tin về tính bền vững, cũng như tiềm năng phát triển và ban hành hệ thống phân loại nhãn ở cấp EU là chất xúc tác để tăng cường tính minh bạch của thị trường. Chuyến thăm cũng cung cấp thông tin và hiểu biết sâu về thúc đẩy đầu tư tác động và tài chính toàn diện, với sự hỗ trợ của công nghệ và đổi mới sáng tạo để lan tỏa sự phát triển của tài chính xanh và bao trùm trên khắp các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đang từng bước khai mở tiềm năng của nền kinh tế xanh, đồng thời thúc đẩy tài chính cho lộ trình chuyển đổi net-zero. Cơ hội học hỏi từ các đối tác khu vực công và tư nhân của Luxembourg sẽ có ích cho việc ứng dung, hài hòa kiến thức và nâng cao năng lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu xanh.

Tham gia vào Tuần lễ Tài chính bền vững 2023 do Cơ quan phân loại nhãn Luxembourg cho đầu tư có trách nhiệm (LuxFLAG) tổ chức, đoàn đại biểu đã giới thiệu về thị trường vốn đang trên đà phát triển của Việt Nam cũng như kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng về đầu tư bền vững.

Cũng trong tuần thăm và làm việc, Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển bền vững Luxembourg, Bộ Tài chính Việt Nam và GGGI đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo dự án “Chương trình sẵn sàng phát hành trái phiếu xanh Việt Nam”.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Phạm Thị Thanh Tâm nhấn mạnh trong những năm gần đây, Bộ Tài chính Việt Nam đã và đang phối hợp với các bộ, ngành khác của Chính phủ để xây dựng định hướng tổng thể phát triển trái phiếu xanh, bao gồm xác định định hướng chung và các phương thức thực hiện, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thay mặt đoàn Việt Nam, bà Tâm đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển bền vững Luxembourg và GGGI trong việc thúc đẩy phát triển tài chính xanh tại Việt Nam. Bộ Tài chính Việt Nam mong muốn tiếp tục việc hợp tác hiệu quả với Chính phủ Đại công quốc Luxembourg và GGGI để tăng cường hơn nữa thị trường tài chính xanh trong nước.

Các đại biểu từ Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển bền vững Luxembourg, và GGGI tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án “Chương trình sẵn sàng phát hành trái phiếu xanh Việt Nam”.

“Đại công quốc Luxembourg và Việt Nam nhìn lại hành trình hợp tác vững mạnh và tốt đẹp từ thế kỷ thứ chín mươi. Những năm vừa qua là giai đoạn quan trọng về tăng cường quan hệ đối tác hai bên trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và tài chính bền vững. Hôm nay, tôi rất vui mừng khi thấy các ưu tiên chung về khí hậu của Việt Nam và Luxembourg, đây là tiền đề tốt đẹp cho sự tăng cường hợp tác hơn nữa của hai quôc gia trong hành trình hướng tới trung hòa các-bon”, Tiến sĩ André Weidenhaupt, Cục trưởng, Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển bền vững Luxembourg (MECSD) phát biểu.

Đoàn Việt Nam bao gồm cán bộ nghiệp vụ từ các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan như Vụ Ngân hàng và Tổ chức Tài chính, Vụ Đầu tư, Kho bạc Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.

Trong tuần tham quan học tập, đoàn đại biểu đã tham dự một loạt các cuộc họp song phương và tọa đàm chia sẻ kiến thức với các đối tác phía Luxembourg bao gồm Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển bền vững Luxembourg, Bộ Tài chính Luxembourg, Ủy ban Giám sát Tài chính (CSSF), Sáng kiến Tài chính Bền vững Luxembourg, Luxembourg for Finance, Luxembourg House of Financial Technology, Sàn Giao dịch Chứng khoán Xanh Luxembourg, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu,  Phòng Thương mại Luxembourg, Cơ quan hợp tác phát triển LuxDev và các cơ quan, đơn vị khác.